0984435036 / 024.35578563
Menu 0984435036

Kỹ thuật hàn đồng

Kỹ thuật hàn đồng được đánh giá là một kỹ thuật khó, Nhưng được ứng dụng nhiều trong dân dụng và công nghiệp. Khi hàn đồng cần lưu ý đến độ chảy loãng của Đồng cao, và độ dẫn điện kim loại cơ bản cao.

Tiêu chuẩn AWS A5.6–76 quy định ký hiệu que hàn cho đồng và hợp kim đồng gồm 9 nhóm cơ bản trên cơ sở kim loại đắp
Ngoài ra, tiêu chuẩn AWS A5.7-1977 quy định thành phần dây hàn dành cho hàn trong môi trường khí trơ bằng điện cực không nóng chảy, điện cực nóng chảy và hàn plasma tương tự

Đặc điểm cơ bản của kỹ thuật hàn đồng

Khi hàn nên sử dụng hồ quang ngắn, không thực hiện dao động ngang que hàn. Nên sử dụng phương pháp hàn phân đoạn ngược (hàn bước lùi) để tạo dáng mối hàn tốt. Do đồng có độ chảy loãng cao, khi hàn phải sử dụng các tấm đệm lót đáy. Tư thế hàn nên là tư thế hàn sấp. Khi chiều dày chi tiết không quá 4 mm thì không phải nung nóng sơ bộ. Nhiệt độ nung nóng sơ bộ phụ thuộc vào chiều dày tấm và kích thước của vật hàn. Ví dụ, với chiều dày 5÷8, nhiệt độ nung nóng sơ bộ là 200÷300°C, trong khi đó, khi chiều dày tấm là 24 mm,cần phải nung nóng sơ bộ lên đến nhiệt độ 750÷800 °C. Trong quá trình hàn, nên sử dụng tốc độ hàn tối đa có thể được. Tốc độ này tăng khi nhiệt độ nung nóng sơ bộ tăng và giảm khi chiều dày chi tiết lớn. 
Để tăng năng suất hàn, có thể sử dụng một số loại que hàn có chứa các chất tạo phản ứng tỏa nhiệt khi hỗ quang cháy (thuộc loại phản ứng nhiệt nhôm) trong thành phần vỏ bọc que hàn và khi hàn không cần phải nung nóng sơ bộ hoặc nung với nhiệt độ thấp hơn so với các loại que thông dụng. Ví dụ, có thể hàn bằng các que hàn này mà không cần nung nóng sơ bộ với các chiều dày tấm tối đa 15 mm hoặc nung nóng sơ bộ ở 250÷400 °C với các chiều dày tấm trên 15mm. Khi đó, có thể hàn các mối hàn giáp mối có chiều dày tấm 20 mm mà không cần vát mép chỉ với 1 hoặc 2 lượt hàn từ 2 phía (có sử dụng tấm đệm lót graphit) với chế độ hàn I = (85÷100).d, với d là đường kính lõi que hàn; U=45÷50 V.

Kỹ thuật hàn đồng

Kỹ thuật hàn đồng khi hàn hồ quang tay


Khi hàn hồ quang tay, cần lưu ý rằng tính dẫn nhiệt và dẫn điện của kim loại mối hàn không bằng của kim loại cơ bản. Hàn hồ quang tay ít khi được dùng để hàn đồng thau vì kẽm bốc hơi rất mạnh, gây cản trở việc quan sát của thợ hàn. Nếu phải hàn đồng thau bằng hồ quang tay, cần liên tục hút khói ra khỏi vùng hàn. Có thể hàn đồng 4 thau bằng phương pháp này với các chi tiết có chiều dày trên 4 mm. Với chiều dày không vượt quá 10 mm, có thể hàn từ 2 phía mà không cần vát mép. Với chiều dày 5÷10 mm, có thể hàn từ một phía với dạng vát mép chữ V. Khi chiều dày từ 12 mm trở lên, nên thực hiện dạng vát mép chữ X. Khi hàn đồng thau, nhất thiết phải nung nóng sơ bộ; nên hàn với tốc độ lớn, dùng hồ quang ngắn để tránh bốc hơi kẽm.
Khi hàn đồng thanh, nên sử dụng dòng điện hàn một chiều cực nghịch. Có thể tiến hành nung nóng sơ bộ kết hợp với nung sung sau khi hàn hoặc không nung nóng sơ bộ. Chế độ nung nóng sơ bộ phụ thuộc vào loại đồng thanh. Đồng thanh thuộc hệ Cu-Sn có độ bền và tính dẻo không cao ở 400 °C. Nếu nhiệt độ thay đổi nhanh, trong chi tiết sẽ xuất hiện ứng suất nhiệt và sau khi hàn còn có ứng suất dư, có thể gây nứt ở kim loại mối hàn. Do đó, đối với loại hợp kim đồng này cần giảm tối đa vùng nung để sự giảm nhiệt độ từ kim loại mối hàn đến kim loại cơ bản xảy ra không đột ngột. Khi hàn nhiều lớp, nên tiến hành rèn mỗi đường hàn ở nhiệt độ dưới 200 °C. Đồng thanh thuộc hệ Cu-Al có tính dẫn nhiệt cao nên khi chiều dày tấm lớn hơn 16 mm, cần phải tiền hành nung nóng sơ bộ trước khi hàn. Khi hàn nhiều lớp bằng các đường hàn ngắn (tối đa 300÷400 mm), chỉ cần nung nóng sơ bộ đối với các đường hàn đầu tiên. Với đồng thanh hệ Cu -Sn, có thể chọn cường độ dòng điện hàn I = 160÷220 A khi đường kính lõi que hàn d = 5÷6 mm; I = 220÷260 A khi d = 7÷8 mm. Với đồng thanh hệ Cu-Al, cường độ dòng điện hàn I= 220÷280 A khi d=5÷6 mm

Tin liên quan